Tầm Quan Trọng Của Thị Trường Chứng Khoán Với Nền Kinh Tế
Thị trường chứng khoán phản ánh sự vận động của nền kinh tế. Sự biến động của chỉ số chứng khoán, như VN-Index, Dow Jones hay Nikkei, trở thành bản thông báo về sức khỏe kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán không chỉ là nơi giao dịch, mà còn là cửa sổ mở ra tầm nhìn về tương lai kinh tế và doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Mục Lục
- 1. Thị trường chứng khoán là gì
- 2. Lịch sử hình thành thị trường chứng khoán trên thế giới
- 3. Phân loại thị trường chứng khoán
- 4. Các chủ thể tham gia chứng khoán
- 5. Chức năng của thị trường chứng khoán
- 6. Nguyên tắc vận hành của thị trường chứng khoán
- 7. Vai trò của chứng khoán trong nền kinh tế
- Kết luận về thị trường chứng khoán
1. Thị trường chứng khoán là gì
Khái niệm thị trường chứng khoán là một tập hợp bao gồm những người mua và người bán cổ phiếu (hay chứng khoán), thứ đại diện cho quyền sở hữu của họ đối với một doanh nghiệp; có thể bao gồm các cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúng, hoặc những cổ phiếu được giao dịch một cách không công khai, ví dụ như cổ phần của một công ty tư nhân được bán cho các nhà đầu tư thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng. Những khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán hầu hết được thực hiện thông qua môi giới chứng khoán và nền tảng giao dịch điện tử.
Có 60 sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới. Trong số đó, có 16 sàn giao dịch có vốn hóa thị trường đạt mức 1 nghìn tỷ USD trở lên, chiếm tỷ lệ 87% vốn hóa thị trường toàn thế giới. Ngoài Sàn giao dịch chứng khoán Úc, 16 sàn giao dịch này đều nằm tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Quy mô của thị trường cổ phiếu toàn cầu năm 2023, dựa trên dữ liệu từ Liên đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE) và Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (SIFMA). Với giá trị vốn hóa 46,2 nghìn tỷ USD, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường cổ phiếu toàn cầu, tương đương 42,5%. Con số này gấp gần 4 lần so với thị trường đứng thứ hai – Liên minh châu Âu (EU) (12,1 nghìn tỷ USD, tương đương 11,1%). Trung Quốc sở hữu thị trường cổ phiếu lớn thứ ba toàn cầu với vốn hóa 11,5 nghìn tỷ USD, tương đương 10,6%. Theo sau là Nhật Bản (5,8 nghìn tỷ USD), Hồng Kông (4,3 nghìn tỷ USD), Vương quốc Anh (3,2 nghìn tỷ USD), Canada (3 nghìn tỷ USD), Australia (1,7 nghìn tỷ USD) và Singapore (600 tỷ USD).
Biểu đồ quy mô của thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2023
2. Lịch sử hình thành thị trường chứng khoán trên thế giới
Cuối thế kỷ 15, Antwerp (Bỉ) đã nổi lên như một trung tâm giao dịch thương mại quốc tế. Thương nhân đã tận dụng dự đoán về sự tăng giá của một số mặt hàng và thực hiện mua bán để thu lợi nhuận. Cùng lúc đó, các giao dịch trái phiếu cơ bản cũng bắt đầu xuất hiện.
Vào đầu thế kỷ 16, một quan chức Anh quốc đã quan sát mô hình này tại Bỉ và đưa ý tưởng về việc thiết lập một sàn giao dịch tại London, Anh, sau này được biết đến là Sở giao dịch chứng khoán London. Các sàn giao dịch tương tự sau đó được thành lập tại Pháp, Đức và Bắc Âu.
Những mô hình giao dịch thị trường này phát triển ngày càng mạnh mẽ với sự gia nhập của nhiều thành viên và đa dạng nội dung. Tính chất tự nhiên của chúng đã dẫn đến sự phân chia thành nhiều thị trường khác nhau như Thị trường hàng hoá, Thị trường hối đoái, Thị trường hợp đồng tương lai và Thị trường chứng khoán, mỗi thị trường mang đặc tính riêng thuận lợi cho người tham gia.
Một số sự kiện quan trọng của chứng khoán Thế Giới:
- Năm 1611: Sàn giao dịch chứng khoán hiện đại đầu tiên ở Amsterdam.
- Cuối thập kỷ 1700, tại New York, Thỏa Thuận Buttonwood đã đánh dấu sự hình thành của Sở giao dịch chứng khoán New York, trở thành một trong những sàn lớn và ảnh hưởng nhất thế giới.
- Năm 1929: Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụp đổ sau “những năm 20 bùng nổ.”
- Năm 1971: Giao dịch bắt đầu trên thị trường chứng khoán NASDAQ.
- Năm 1987: Thứ Hai Đen Tối, ngày thị trường chứng khoán thế giới chịu ảnh hưởng lớn.
- Cuối thập kỷ 1990 – đầu thập kỷ 2002: Sự vụ “Bong bóng Dotcom” với sự vỡ bong bóng của cổ phiếu công nghệ.
- Năm 2008: Khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới, như Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam, London, và New York, đã đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán thế giới. Ngày nay, việc giao dịch trên thị trường chứng khoán trở nên dễ dàng cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, với nhiều loại hình đầu tư khác nhau khác cả cổ phiếu.
3. Phân loại thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán sơ cấp: là nơi chứng khoán được phát hành lần đầu tiên (IPO). Mục đích của thị trường sơ cấp là cung cấp vốn cho các nhà phát hành. Phần lớn những người mua trên thị trường sơ cấp là các tổ chức lớn hay quỹ đầu tư. Ví dụ: cuối năm 2019, Yeah1 (YEG) phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu với mức giá chào sàn là 300.000đ/cổ phiếu. Như vậy, việc phát hành 30 triệu cổ phiếu YEG lần đầu tiên được thực hiện trên thị trường sơ cấp.
Thị trường chứng khoán thứ cấp: là thị trường giao dịch, trao đổi các loại chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp tạo thanh khoản cho chứng khoán, với mục đích kiếm lợi nhuận, di chuyển dòng vốn hoặc các loại tài sản xã hội. Vì thế không có chứng khoán mới được sinh ra mà chỉ là chuyển đổi quyền sở hữu chứng khoán. Ví dụ: 30 triệu cổ phiếu YEG sau khi phát hành được giao dịch bởi các nhà đầu tư với các mức giá khác nhau. Như vậy, việc mua đi bán lại này diễn ra trên thị trường thứ cấp.
Có thể coi thị trường sơ cấp là “chợ đầu mối” cung cấp sản phẩm (chứng khoán) với mức giá gốc. Còn thị trường thứ cấp là các chợ nhỏ lẻ, siêu thị, cửa hàng nơi chứng khoán được trao đổi mua bán với giá cả biến đổi không ngừng.
4. Các chủ thể tham gia chứng khoán
Thị trường thì luôn có kẻ mua, người bán, vậy họ là ai? Ngoài họ ra còn có chủ thể nào tham gia trên thị trường chứng khoán nữa?
– Nhà phát hành
- Chính phủ và chính quyền địa phương: là nhà phát hành Trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu địa phương. Đây là loại chứng khoán an toàn với mức đảm bảo chi trả gần như tuyệt đối từ Chính phủ. Trừ trường hợp Chính phủ quốc gia đó mất khả năng trả nợ (như Hy Lạp năm 2012), đó lại là một câu chuyện khác.
- Các công ty muốn huy động vốn: công ty phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu nhằm huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây là loại chứng khoán có tính rủi ro cao do biến động giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
– Nhà đầu tư chính là người cung cấp vốn cho thị trường chứng khoán. Có 2 dạng nhà đầu tư mà bạn cần phân biệt.
- Nhà đầu tư cá nhân: nhóm này thường chiếm số đông trên thị trường. Họ có thể là cậu sinh viên năm ba, là anh nhân viên văn phòng bắt đầu đầu tư, hay bất cứ ai có tiền nhàn rỗi tham gia thị trường chứng khoán. Điểm chung của nhà đầu tư cá nhân là thường không có nhiều lợi thế về thông tin hay tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, họ có thể linh hoạt thay đổi danh mục đầu tư với số vốn nhỏ và quyền tự chủ cao trong các quyết định.
- Nhà đầu tư tổ chức: là các định chế đầu tư chứng khoán với khối lượng lớn. Họ là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội,… tham gia và thường có nhiều thông tin, tiềm lực tài chính lớn mạnh, một chiến lược đầu tư dài hạn. Nhưng một chú cá mập dù to lớn đến đâu cũng không thể linh hoạt như những chú cá con. Trên thực tế, những quyết định của tổ chức luôn tốn thời gian và rắc rối hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân. Mặt khác, khối lượng đầu tư lớn nên mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá bằng những tổn thất đáng kể.
– Các môi giới trung gian, bao gồm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và trung gian tài chính. Trong đó, công ty chứng khoán thực hiện vai trò trung gian môi giới mua – bán chứng khoán. Ngoài ra, công ty chứng khoán còn tư vấn và thực hiện một số dịch vụ khác liên quan.
– Các tổ chức liên quan với vai trò quản lý nhằm đảm bảo những “người chơi” tuân thủ “luật chơi” được quy định trước. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý thị thị trường chứng khoán cao nhất là Bộ Tài chính. Tiếp đến là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), các Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX). Kế đến là Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đóng vai trò là nơi lưu trữ các thông tin về chứng khoán. Ngoài ra còn có các tổ chức khác như: Hiệp hội các kinh doanh chứng khoán, công ty đánh giá hệ số tín nhiệm, các tổ chức tài trợ chứng khoán, v.v…
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán
5. Chức năng của thị trường chứng khoán
Chức năng của thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và kinh tế, mang lại nhiều lợi ích quan trọng như sau:
– Huy động vốn đầu tư: Thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn hiệu quả cho Nhà nước và các doanh nghiệp mà không phải thông qua ngân hàng. Bằng cách phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu, đơn vị phát hành có thể thu được nguồn tiền cần thiết để phục vụ cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Qua đó, thị trường chứng khoán tạo ra dòng luân chuyển vốn hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.
– Thước đo sức khỏe kinh tế: Thị trường chứng khoán là tấm phong vũ biểu phản ánh tình hình nền kinh tế. Biến động trên thị trường có thể phản ánh sự lạc quan hoặc bi quan của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh tế. Nó cũng là công cụ quan trọng để chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế, đặc biệt là thông qua việc sử dụng trái phiếu và thị trường phái sinh.
– Đánh giá hoạt động doanh nghiệp: Thị trường chứng khoán cung cấp một cơ sở để nhà đầu tư đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp. Sự minh bạch trong thông tin và việc so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành trở nên dễ dàng, từ đó giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông tin.
– Tạo tính thanh khoản: Thị trường chứng khoán đã tăng cường tính thanh khoản cho các sản phẩm giao dịch. Việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu trở nên dễ dàng hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch và giảm rủi ro liên quan đến tính thanh khoản.
– Môi trường đầu tư minh bạch: Thị trường chứng khoán, nhận sự bảo trợ từ Nhà nước, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và an toàn. Điều này giúp nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi rót vốn và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
– Tiềm năng sinh lời cao: Thị trường chứng khoán cung cấp nhiều lựa chọn đầu tư, từ lướt sóng cổ phiếu đến trái phiếu, cho phép nhà đầu tư lựa chọn theo nguồn vốn và lợi nhuận kỳ vọng của mình. Điều này tạo ra sự đa dạng và linh hoạt trong lựa chọn đầu tư.
6. Nguyên tắc vận hành của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán hoạt động theo bốn nguyên tắc được pháp luật quy định trong Luật chứng khoán. Cụ thể theo Điều 5 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định có 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường trường chứng khoán gồm:
“Điều 5. Nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán
- Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
- Công bằng, công khai, minh bạch.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
- Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.”
7. Vai trò của chứng khoán trong nền kinh tế
Vai trò của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nền kinh tế là không thể phủ nhận trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu. Biến động trên TTCK không chỉ là yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động lớn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. TTCK là một kênh dẫn vốn quan trọng, mang lại cơ hội đầu tư cho công chúng.
Vai trò của TTCK đối với nhà đầu tư là không thể phủ nhận. TTCK cung cấp một loạt các sản phẩm đầu tư, từ cổ phiếu đến trái phiếu, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục và quản lý rủi ro. Việc lựa chọn giữa các loại chứng khoán khác nhau cho phép nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược đầu tư của họ phù hợp với mục tiêu tài chính và mong muốn về rủi ro. Tham gia vào TTCK là một quá trình đơn giản và linh hoạt, phù hợp cho cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức với nguồn vốn lớn. Điều này giúp tạo ra một kênh đầu tư hiệu quả, giúp nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc đạt được lợi nhuận so với các kênh đầu tư truyền thống.
Với doanh nghiệp, TTCK đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Điều này giúp doanh nghiệp tránh được áp lực từ việc vay mượn ngân hàng với lãi suất cao. Các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết trên TTCK cũng đạt được mức uy tín cao hơn và có tính thanh khoản tốt hơn, giúp thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế và cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Thị trường chứng khoán còn là nơi đánh giá giá trị của doanh nghiệp thông qua chỉ số giá chứng khoán. Sự hình thành giá cổ phiếu của một doanh nghiệp phản ánh hiệu suất kinh doanh hiện tại và triển vọng trong tương lai. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
Đối với nền kinh tế, TTCK tạo ra các công cụ thanh khoản cao, giúp tích tụ và phân phối vốn một cách linh hoạt. Nó cũng là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, dự báo triển vọng kinh tế trong tương lai thông qua biến động của giá chứng khoán. Việc huy động nguồn lực tài chính từ TTCK còn giúp Chính phủ đáp ứng nhu cầu phát triển mà không gặp áp lực về lạm phát. Đối với Việt Nam, TTCK cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và xây dựng một cơ cấu thị trường vốn cân đối và hiệu quả.
Kết luận về thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế ở mỗi quốc gia. Đây là nơi giúp Chính phủ và các doanh nghiệp thu hút luồng vốn lớn dài hạn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời giúp công chúng có thêm cơ hội đầu tư. Với Việt Nam, TTCK trải qua nhiều biến động những vẫn luôn khẳng định vai trò thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư. Nó giúp họ có thể kiếm được lợi nhuận từ việc mua bán các công ty có tiềm năng phát triển. Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng mang lại sự minh bạch và công bằng trong việc xác định giá trị của các công ty.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế. Khi doanh nghiệp có khả năng huy động vốn thông qua niêm yết cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu, họ có thể thu thập nguồn vốn cần thiết để mở rộng hoạt động kinh doanh và tạo ra việc làm mới.
Nhận tin tức mới nhất
Bài viết liên quan
Bảo Vệ Tài Khoản Chứng Khoán Khi Bị Hacker Tấn Công
Bảo vệ tài khoản chứng khoán và an toàn thông tin là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với mọi tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
Tìm Hiểu Luật Chứng Khoán Việt Nam Cho Nhà Đầu Tư F0
Hiểu rõ về luật chứng khoán là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư F0 có thể định hình và quản lý rủi ro hiệu quả.
Tìm Hiểu Phái Sinh Là Gì Trong Thị Trường Chứng Khoán
Phái sinh là gì mà giá trị của nó dựa trên giá trị của một hoặc nhiều tài sản cơ sở như cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, hoặc chỉ số.