onstocks

Tham gia ngay

Lịch Sử Phát Triển Của Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam

OnStocks
28-12-2023

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy thách thức và biến động trong quá trình phát triển của mình. Hãy cùng Onstocks tóm tắt về lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Lịch sử chứng khoán Việt Nam vào kỳ sơ khai 1996 – 2000

Năm 1996 đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong lịch sử chứng khoán Việt Nam với việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào ngày 28/11/1996. Mặc dù sự ra đời này có vẻ lâu dài khi nằm trong “bụng mẹ,” nhưng đến ngày 11/7/1998, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức khai sinh theo Nghị định số 48/CP của Chính phủ. Đồng thời, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh cũng được thành lập đồng thời, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình phát triển thị trường tài chính.

Mặc dù đã được thành lập, nhưng thời kỳ ban đầu chứng kiến nhiều thách thức và yếu tố khiến cho hoạt động vận hành chưa thể diễn ra một cách trơn tru. Cho đến hai năm sau, vào ngày 28/07/2000, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt mới đã diễn ra. Trong buổi giao dịch này, hai mã cổ phiếu được niêm yết là REE (thuộc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (thuộc Công ty Cổ phần SAM Holdings). Đáng chú ý, mỗi tuần đã có 2 phiên giao dịch được tổ chức, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự khởi đầu tích cực cho thị trường chứng khoán mà còn là điểm xuất phát cho nhiều biến động và biến chuyển quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bạn bè quốc tế thăm trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM ngày đầu khai trương (ngày 20/7/2000). Ảnh tư liệu.

2. Thị trường chứng khoán Việt Nam với những thăng trầm 2001 – 2009

Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt chứng kiến một loạt dấu mốc quan trọng, đồng thời trải qua những biến động ngoạn mục. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự chuyển mình của thị trường chứng khoán, với cả những thách thức khó khăn. Từ năm 2001 đến 2005, thị trường ít có biến động đáng kể, với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang trong giai đoạn làm quen. Trong giai đoạn này, vốn hóa thị trường chỉ chiếm khoảng 1% GDP.

Tuy nhiên, năm 2005 đánh dấu sự mở rộng của thị trường với việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và sự ra đời của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HSX) vào ngày 8/3/2005. Thị trường bắt đầu phát triển nhanh chóng với sự mở rộng đồng thời từ 2 sở giao dịch.

Năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam có một bước nhảy vọt quan trọng. Trong tháng 1/2006, Vinamilk đưa giá trị vốn hóa của HOSE tăng gấp đôi trong một ngày. Trong năm này, 74 doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn HOSE, giúp tăng giá trị vốn hóa từ 7.400 tỷ đồng lên 148.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index cũng đạt mức 752 điểm, tăng 144% chỉ sau một năm.

Năm 2007, thời gian giao dịch được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử ở 1.170,67 điểm, cao gấp 3,9 lần so với đầu năm 2006. Vốn hóa thị trường chiếm 40% GDP, và làn sóng IPO của doanh nghiệp nhà nước như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, và Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam là động lực chính.

Sau đỉnh cao năm 2007, năm 2008 trở thành thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, VN-Index giảm 66%, xuống cấp 316 điểm. Giá trị vốn hóa trên HOSE giảm mạnh 195.000 tỷ đồng.

Khép lại giai đoạn này, ngày 24/6/2009, sàn UPCOM được đi vào vận hành, đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Hệ thống Giao dịch Chứng khoán UPCOM được tạo ra với mục tiêu cung cấp một nền tảng giao dịch cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đang phát triển mạnh, nhưng chưa đủ điều kiện niêm yết trên các sàn chứng khoán chính thức như HOSE hay HNX. Sàn UPCOM đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô và độ đa dạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Lễ ra mắt Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vào ngày 7/7/2006

3. Thời kỳ chứng khoán Việt đột phá hậu khủng hoảng từ năm 2010 – 2020

Sau khoảng thời gian trầm lắng trồi sụt, giai đoạn này đã chứng kiến nhiều sự đổi mới. Phần lớn trong số đó nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.

Ngày 6/2/2012, chỉ số VN30 lần đầu tiên được ra mắt. VN30 là 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn được niêm yết trên sàn HOSE. Kế tiếp, khoảng thời gian thanh toán rút ngắn từ T+4 xuống còn T+3. Hiểu đơn giản là sau 3 ngày nhà đầu tư sẽ hoàn toàn sở hữu được chứng khoán đã mua. Đồng thời, sau 3 ngày nhà đầu tư có thể nhận lại tiền bán chứng khoán. Khoảng thời gian này được rút ngắn 1 ngày so với trước.

Ngoài ra, vào 22/07/2013, thời gian giao dịch trên sàn HOSE được kéo dài tới 15h hằng ngày. Sau đó khoảng 7 ngày, ngày 29/7/2013, thời gian giao dịch trên HSX cũng được kéo dài tương tự. Thị trường chứng khoán đồng thời được bổ sung các loại lệnh mới như: lệnh thị trường, ATC…

Năm 2017, hình thức chứng khoán mới là chứng khoán phái sinh được ra đời. Một loạt thay đổi trong thời gian trước cũng tạo ra những thay đổi tích cực. Trong năm này, lịch sử chứng khoán Việt Nam chứng kiến hàng loạt con số liên tục “lập đỉnh”. VN-Index tăng 48% lên 984 điểm. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hơn 70%, tỷ lệ trên GDP lần đầu vượt 50%. Tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài hơn 31 tỷ USD. Tiếp tục đỉnh cao, sau 10 năm, VN-Index lại thiết lập đỉnh mới vào ngày 9/4/2018 với 1.204 điểm.

Tới 2019, phiên giao dịch cuối năm đóng cửa ở mức điểm VN-Index 961, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Thị trường Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cuối cùng, vào năm 2020, chứng khoán Việt đã trải qua những phiên suy giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Ngay sau kì nghỉ lễ năm 2020, thị trường chứng khoán rơi vào thời kì ‘’đen tối’’ do đại dịch COVID-19 gây ra.Thị trường liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn với áp lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư. VN-Index lập đáy vào ngày 30/3 ở mức 662,26 điểm, tương ứng giảm 27% so với thời điểm 22/1/2020. Theo thống kê có đến 369 cổ phiếu giảm trên 25% trong đó có rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, ngay sau phiên đáy, thị trường đã liên tục thăng hoa và tăng điểm ngoạn mục nhiều phiên, VNindex đã lần đầu lập đỉnh 1500 điểm.

Sáng 30/7/2015, Thủ tướng Anh David Cameron đến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

4. VN-Index mất mốc 1000 điểm năm 2022

Ngày 24/10, phiên giao dịch sáng tại sàn HOSE chứng kiến một tình hình khó khăn khi có tới 382 mã giảm, trong đó có 60 mã giảm sàn, dẫn đến sự suy giảm của VN-Index với mức giảm 23,37 điểm (-2,29%), đóng cửa ở mức 996,45 điểm. Với biến động lớn này, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong số các thị trường giảm mạnh nhất trên toàn cầu trong ngày 24/10.

Làn sóng bán tháo mạnh mẽ xuất hiện khi thị trường chứng khoán đối mặt với môi trường bất lợi, với tăng mạnh của lãi suất ngân hàng cùng loạt thông tin tiêu cực liên quan đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tập đoàn bất động sản lớn. Tình hình kinh tế chính trị thế giới cũng không mang đến nhiều triển vọng tích cực.

Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 đồng thời kết thúc trong sắc đỏ khi chỉ số VN-Index giảm 2,2 điểm, tương đương 0,22%, đạt 1.007,09 điểm. Tổng cộng trong năm 2022, thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 32,8%. Trên sàn HoSE, nội bộ các ngành có sự phân hóa rõ rệt, với 209 mã tăng giá, 60 mã đứng giá tham chiếu, và 189 mã giảm giá. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh tiếp tục duy trì ở mức rất thấp, chỉ đạt 5.606 tỷ đồng.

Biểu đồ thị trường chứng khoán Việt Nam từ 2001 đến 2023

5. Chứng khoán Việt năm 2023: Tăng trưởng trong khó khăn

Trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới và khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về chỉ số, thanh khoản và quy mô vốn hóa. Chiều ngày 11/12/2023, Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai năm 2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã diễn ra, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ biến động của thị trường chứng khoán quốc tế. Nửa đầu năm, thị trường gặp khó khăn với thanh khoản giảm mạnh do suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát và chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tuy nhiên, sang quý III/2023, VN-Index đã bứt phá mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, với 1.245,44 điểm vào ngày 12/9/2023, tăng 24% so với cuối năm 2022.

Đến ngày 30/11, VN-Index đạt 1.094,13 điểm, tăng 8,6% so với cuối năm 2022, và HNX-Index đóng cửa ở mức 226,15 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2022. Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1%, tương đương 60,5% GDP. Quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch tính đến cuối tháng 11/2023 là 2.092 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022, với 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCOM.

Trong năm 2023, chứng khoán Việt Nam tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư. Trong 11 tháng, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu của Chính phủ.

Ngày 22/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết giữa sàn Chứng khoán Nasdaq (Mỹ) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam

6.Giai đoạn 2024 – 2025 tạo tiền đề đưa chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới

Trong bản Báo cáo Phân loại thị trường mới nhất của FTSE Russell 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là thị trường cận biên (Frontier) và được liệt kê trong danh sách theo dõi khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market). Đánh giá chung cho thấy, Việt Nam đã đáp ứng một phần lớn các tiêu chí để có thể chuyển từ thị trường mới nổi sơ cấp lên thị trường mới nổi thứ cấp, nhất là sau loạt thay đổi quan trọng được triển khai.

Sự thi hành của Luật Chứng khoán 2019, các văn bản hướng dẫn kèm theo, cùng với Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí quan trọng về nâng hạng thị trường. Quá trình tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam cũng đang được hoàn thiện, được minh họa bằng việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Thêm vào đó, việc rút ngắn thời gian thanh toán và bù trừ chứng khoán đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình nâng hạng.

Đặc biệt, việc triển khai hệ thống KRX trong tương lai được kỳ vọng sẽ làm cho thị trường trở nên ổn định hơn, mở ra cơ hội cho việc giới thiệu các sản phẩm đa dạng hơn như giao dịch T+0, bán khống, hợp đồng quyền chọn, và cung cấp giải pháp cho các vấn đề khó khăn trong quá trình nâng hạng, như thanh toán bù trừ trung tâm và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.

Dưới đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nâng hạng thị trường chứng khoán chỉ còn là vấn đề thời gian và có thể được hoàn tất trong giai đoạn 2024 – 2025. Điều này sẽ là bước quan trọng để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới và mở ra những triển vọng tích cực cho sự phát triển trong tương lai.

Kết luận: Tiềm năng và cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán Việt

Sau 23 năm hình thành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển ấn tượng. Khởi đầu với quy mô nhỏ, thị trường đã ngày càng mở rộng và trở thành một thành phần quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia. Quá trình cải thiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường minh bạch và an toàn đã làm tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư. Sự đa dạng hóa trong các sản phẩm tài chính và sự tích hợp công nghệ vào giao dịch đã tạo ra một môi trường giao dịch hiện đại và linh hoạt.

Chứng khoán Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và phát triển doanh nghiệp mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Những động lực và đột phá trong quản lý điều hành đã giúp thị trường ngày càng thu hút sự chú ý từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nhận tin tức mới nhất

Bài viết liên quan

Bảo Vệ Tài Khoản Chứng Khoán Khi Bị Hacker Tấn Công

Bảo Vệ Tài Khoản Chứng Khoán Khi Bị Hacker Tấn Công

OnStocks
25-03-2024

Bảo vệ tài khoản chứng khoán và an toàn thông tin là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với mọi tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Tìm Hiểu Luật Chứng Khoán Việt Nam Cho Nhà Đầu Tư F0

Tìm Hiểu Luật Chứng Khoán Việt Nam Cho Nhà Đầu Tư F0

OnStocks
21-03-2024

Hiểu rõ về luật chứng khoán là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư F0 có thể định hình và quản lý rủi ro hiệu quả.

Tìm Hiểu Phái Sinh Là Gì Trong Thị Trường Chứng Khoán

Tìm Hiểu Phái Sinh Là Gì Trong Thị Trường Chứng Khoán

OnStocks
19-03-2024

Phái sinh là gì mà giá trị của nó dựa trên giá trị của một hoặc nhiều tài sản cơ sở như cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, hoặc chỉ số.